Đã không có cổ tích trên sân Signal Iduna Park. Đan Mạch dừng bước trước Đức với thất bại 0-2. Một chút tiếc nuối cho những chú lính chì dũng cảm và một chút buồn man mác vì sẽ có những ngôi sao nói lời tạm biệt Euro lần cuối tại đây.
Cho đến trước khi nhận quả pen “trời ơi” vào phút 68, Đan Mạch đã chơi một trận ra trò trước Đức. Thậm chí, có những quãng nhỏ, Eriksen và các đồng đội còn tỏ ra lấn lướt, dồn ép được đội chủ nhà. Bàn thắng bị từ chối do lỗi việt vị mỏng dính của Delaney là cụ thể hoá những nỗ lực và sức đe doạ của hệ thống tấn công rất tự tin, ăn khớp dưới bàn tay HLV Hjulmand.
Điều này càng cho thấy trận hoà của họ trước Anh ở vòng bảng không hề là ngẫu nhiên và bóng đá Đan Mạch dù chưa sản sinh ra được thêm những ngôi sao lớn như anh em nhà Laudrup, cha con nhà Schmeichel hay Eriksen của hiện tại thì họ vẫn biết cách hiệp lực để tạo ra một tập thể khó bị đánh bại. Sự đoàn kết và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ chính là bản sắc mà thế hệ cầu thủ Đan Mạch ngày nay vẫn tiếp nối được từ truyền thống.
Vẫn là một đội trưởng K. Schmeichel vững chãi trong khung thành như bao kỳ Euro, World Cup đã qua. Vẫn là những Christensen, Vestergaard, Maehle, Højbjerg cần mẫn, lăn xả. Vẫn là một Thomas Delaney sống chung cùng căn bệnh mù màu nhưng bỏng cháy như cách đây 3 năm đã toả sáng để đưa Đan Mạch vào bán kết Euro 2021. Và chắc chắn rồi, linh hồn trong lối chơi, biểu tượng của ý chí không dừng bước – Christian Eriksen vẫn hiện diện ở đây. Ngày nào trái tim còn đập thì người nhạc trưởng này còn chạy.
Bền bỉ, dũng cảm, cống hiến. Những chú lính chì khiến người ta yêu quý đội bóng này ngay cả khi họ không có được chiến thắng.
Nếu Delaney không nhanh hơn một cái mũi giày và cú ra chân của J. Andersen được công nhận thì cũng chưa biết chung cuộc ai sẽ vào tứ kết gặp Tây Ban Nha (khả năng TBN đi tiếp là rất cao). Một bàn thắng thôi có thể khiến thế trận thay đổi hoàn toàn.
Còn đến khi Andersen cười trừ méo xệch chỉ một phút sau màn ăn mừng hụt và Kasper Schmeichel bất lực trước cú đá penalty hiểm hóc của K. Havertz thì đoàn quân xứ sở cổ tích buộc phải dồn lên tìm kiếm bàn gỡ. Và việc thủng lưới thêm một trái nữa chỉ là hệ quả. Tỷ số 2-0 hay kể cả là 3-0 nếu có xảy ra thì cũng không thể phủ nhận những gì thầy trò Hjulmand đã làm được trước đó.
Đức đi tiếp đương nhiên xứng đáng. Họ càng đá càng hay. Toàn đội gắn kết, phối hợp đa dạng, linh hoạt. Các ngôi sao được kỳ vọng đều thể hiện được tài năng và biết toả sáng đúng lúc. Tuy thế, có lý do để tiếc cho Đan Mạch và cho cả trận cầu trên sân Signal Iduna Park rạng sáng nay. Ít ra nó nên được kết thúc bằng một pha ghi bàn thuyết phục hơn của Die Mannschaft hoặc hai đội có thể kéo nhau vào tới hiệp phụ để phân định thắng thua. Nếu điều đó xảy ra, tôi tin một lần nữa những phẩm chất tốt nhất đã làm nên thương hiệu “những chú lính chì dũng cảm” sẽ không làm chúng ta thất vọng. Kết quả cuối cùng có thể không thay đổi nhưng sự căng thẳng, gay cấn sẽ mang đến nhiều cảm xúc thú vị hơn cho những ai theo dõi cuộc so tài này.
Vậy là “thùng thuốc súng” Đan Mạch đã không thể nổ thêm một lần nào trên đất Đức. Nhà vô địch Euro 1992 đã không tái hiện được thành tích vào tới bán kết như cách đây 3 năm. Nhưng với những gì thể hiện được trong 4 trận cầu đã qua, sức mạnh tinh thần và khả năng tổ chức, tối ưu đội ngũ là những giá trị mang tính bản sắc mà thế giới bóng đá sẽ ghi nhớ và tôn trọng Đan Mạch.
Chuyện cổ tích thì luôn có hậu nhưng hôm nay Joachim Andersen không phải là nhân vật chính trong những câu chuyện cổ của nhà văn Hans Christian Andersen. Vì thế, thầy trò Hjulmand sẽ dừng bước tại đây với một sự nuối tiếc và man mác buồn cho những cầu thủ có lẽ đã chơi kỳ Euro cuối cùng của sự nghiệp. Schmeichel, Eriksen, Delaney sẽ là những cái tên tiếp theo đi vào lịch sử bóng đá Đan Mạch như những người hùng, bất chấp cái kết ra sao. Di sản họ để lại không chỉ là những bàn thắng, đường kiến tạo hay pha cản phá mà còn là sự khát khao, thái độ chuyên nghiệp và tinh thần không dừng bước.