Italia và giấc mơ hoang đường từ những lần…chết hụt

Nếu có một đội bóng nào đó mang đến vẻ đẹp từ sự kịch tính trong những trận cầu quyết định, đó hẳn nhiên phải là Italia. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Azzurri vẫn thường thể hiện một bộ mặt phập phù, thiếu thuyết phục nhưng rồi lại bằng một cách nào đó có được điều mình muốn.

Italia và giấc mơ hoang đường từ những lầnchết hụt 1
 

Cú cứa lòng đẹp như tranh vẽ của Mattia Zaccagni ở phút bù giờ thứ… 9 vào lưới Croatia đã thêm một lần nữa cứu rỗi những người Ý vượt qua cửa tử và giành suất lọt vào vòng 1/16 kỳ EURO 2024.

Đội bóng của Luciano Spalletti đến EURO lần này với một lực lượng không hề được đánh giá cao. Do có quá ít thời gian làm việc cùng các cầu thủ nên thay vì cố gắng xây dựng một hệ thống chủ động vận hành theo triết lý tấn công như giai đoạn dẫn dắt Napoli giành chức vô địch Serie A 2022/23, nhà cầm quân người Tuscany đã lựa chọn “gò” đội tuyển theo mô hình của Inter Milan dưới thời Simeone Inzaghi. Tất nhiên, đây là một giải pháp tương đối hợp lý và có phần an toàn nhưng đổi lại, cũng thật khó để kỳ vọng Italia sẽ chơi bùng nổ giống như dưới thời Roberto Mancini cách đây 3 năm. 

Trước Albania, một tuyển Ý non trẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây đã sớm bị dội một “gáo nước lạnh” bởi sai lầm của Dimarco và thậm chí suýt đánh rơi chiến thắng ở những phút cuối trận. Đối đầu với Croatia già dơ và bản lĩnh, Azzurri tiếp tục phải nhờ đến tài năng của thủ thành Donnarumma với hàng loạt cứu thua xuất sắc, trong đó có một tình huống cản phá Modric sút phạt đền. Rõ ràng, những màn trình diễn của thầy trò Spalletti kể từ đầu giải đến giờ là tương đối nhạt nhòa. Ngay cả tân binh Riccardo Calafiori là người gây ấn tượng nhất ở hàng thủ cũng kịp để lại… một bàn phản lưới nhà trong trận thua Tây Ban Nha. Thế nhưng, nếu chỉ chứng kiến sự phập phù tại vòng bảng mà vội đánh giá thấp Italia thì xem chừng giới mộ điệu không thực sự hiểu về người Ý.

Xem thêm »  Gareth Southgate đứng ra nhận hết mọi chỉ trích thay các cầu thủ Anh
Spalletti
 

Trên thực tế, ở cả hai kỳ EURO gần đây nhất, Conte và Mancini đều đã trình diện cho thế giới thấy những tập thể áo thiên thanh thi đấu đầy ấn tượng. Mặc dù vậy, bất chấp khả năng tấn công hay phản công mạnh mẽ đến đâu thì Italia vẫn phải được đánh giá cao nhất ở sự lì lợm trong khâu phòng ngự. Với một đội hình gần như không còn sở hữu một ngôi sao hạng A nào, trái ngược hẳn với giai đoạn cuối thập niên 90s và đầu những năm 2000s, đội bóng đến từ đất nước hình chiếc ủng rõ ràng không thể chơi sòng phẳng trước các đối thủ cứng cựa khác. Thay vào đó, Azzurri chấp nhận tiếp cận các trận đấu một cách từ tốn hơn và sẵn sàng rình rập để tung ra đòn kết liễu vào đúng thời điểm.

So với những người tiền nhiệm, tập thể Italia của HLV Spalletti hiện tại có một điểm yếu tương đối dễ nhận ra, đó chính là kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ĐT Ý hoàn toàn “vô tri” giống như những đứa trẻ lần đầu ra mắt EURO. Trong đội hình của Azzurri vẫn còn đó những ngôi sao có đủ bản lĩnh và chứng minh được tên tuổi như Barella, Bastoni, Donnarumma hay Chiesa, Jorginho… Cộng với sự xuất hiện của hàng loạt nhân tố mới trẻ trung như Calafiori, Dimarco, Pellegrini, Retegui… chắc chắn Italia sẽ có đủ nguồn lực và sự cân đối cần thiết để theo đuổi một hệ thống chiến thuật phù hợp.

Bản thân Luciano Spalletti đương nhiên cũng không phải mẫu chiến lược gia “khắc nghiệt” như Conte hay “giáo điều” như Mancini. Thay vào đó, thứ bóng đá mà nhà cầm quân sinh năm 1959 này mang đến Azzurri được kỳ vọng sẽ khơi dậy sự tự do và nguồn cảm hứng sáng tạo cho các học trò, giống như những gì mà Napoli từng thể hiện trong mùa giải thần thánh 2022/23. Điều này thể hiện ở việc Italia có thể vận hành những sơ đồ chiến thuật không cố định. Khi xuất phát, người Ý thường ra sân với hệ thống 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 nhưng bước vào trận đấu, đội bóng áo thiên thanh ngay lập tức có thể chuyển sang các sơ đồ 3 hoặc 5 hậu vệ tùy thuộc vào diễn biến trên sân.

Xem thêm »  Trippier tái phát chấn thương từ trước Euro 2024

Sự linh hoạt cũng chính là một yếu tố giúp Italia phần nào trở nên khó lường hơn. Không thực dụng tới mức cực đoan để rồi hạn chế đi khả năng bùng nổ của các cá nhân giống như Conte, cũng chẳng phụ thuộc vào cấu trúc hay một triết lý cố định giống như Mancini, đội tuyển của Spalletti rõ rang là một tập thể hài hòa và phần nào biết cách biến ảo hơn, bất chấp vẫn còn nhiều điều phải cải thiện. Sau vòng đấu bảng, các học trò trẻ của cựu chiến lược gia Napoli có lẽ đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm cần thiết trước màn chạm trán Thụy Sĩ tại vòng 1/16.

Italia và giấc mơ hoang đường từ những lầnchết hụt 2
Riccardo Calafiori

Những ca chấn thương của Francesco Acerbi và Giorgio Scalvini trước thềm giải đấu đã khiến nhân sự phòng ngự của Italia vốn đã không mấy “dư dả” lại càng thêm xuống cấp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để Spalletti tìm thấy ánh sáng từ những tài năng trẻ, giống như trường hợp của Calafiori chẳng hạn. Trên băng ghế dự bị, vị chiến lược gia 65 tuổi vẫn còn đó Mancini hay Buongiorno, những giải pháp có thể không được đánh giá cao nhưng hoàn toàn đủ năng lực để xuất hiện trong một hệ thống phòng ngự nhất quán.

Bước sang giai đoạn knock-out EURO 2024, khi những trận đấu được phân định thắng thua bằng mọi giá, Italia sẽ có thêm nhiều cơ hội để thể hiện bản sắc của mình. Sự quen thuộc với bản năng phòng ngự cùng tâm lý của một đội bóng luôn sẵn sàng chiến đấu hết mình khi không cầm bóng, đó sẽ là lợi thế vô hình cho tập thể của Spalletti.

Thêm một lần “chết hụt” với những cảm xúc bất định trước Croatia để vượt qua bảng đấu tử thần, các tifosi lại có quyền mơ về những giấc mơ hoang đường nhất, giống như cái cách mà họ đã từng làm được nhiều lần trong quá khứ.